VIỆN NGOẠI KHOA LASER
BS. TRẦN ĐỨC ANH – 0985075787
Thần kinh ngoại biên
Hệ thống thần kinh ngoại biên có vai trò truyền tín hiệu từ não và tủy sống (hay còn gọi là hệ thần kinh trung ương) đến các phần còn lại của cơ thể. Khi hệ thống này bị tổn thương sẽ dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên.
1. Bệnh thần kinh ngoại biên là gì?
Dây thần kinh ngoại biên là những liên kết giữa não, tủy sống và những phần còn lại của cơ thể bạn. Dây thần kinh ngoại biên mỏng manh và dễ bị tổn thương. Do đó, tổn thương dây thần kinh này có thể ảnh hưởng đến khả năng trao đổi thông tin của não với cơ và các cơ quan. Tổn thương dây thần kinh ngoại biên được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên.
Bệnh thần kinh ngoại biên là hậu quả của sự phá hủy các dây thần kinh ngoại biên, thường gây yếu, tê liệt và đau ở tay và chân. Tuy nhiên bệnh còn ảnh hưởng đến các vùng khác của cơ thể.
Bệnh thần kinh ngoại biên còn là hậu quả của chấn thương, nhiễm trùng, các bệnh về chuyển hóa trong cơ thể, bệnh di truyền hay tiếp xúc với các chất độc hại. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất đó là đái tháo đường.
Người mắc bệnh lí thần kinh ngoại biện nói chung thường có cảm giác đau nhói, thiêu đốt hay ngứa. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể cải thiện, đặc biệt với các nguyên nhân có thể điều trị được. Việc dùng thuốc có thể làm giảm cơn đau do bệnh thần kinh ngoại biên gây ra.
2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên
Mỗi dây thần kinh trong hệ thống ngoại biên đều có một chức năng đặc biệt, do đó các triệu chứng còn tùy thuộc vào loại dây thần kinh nào bị ảnh hưởng. Các dây thần kinh được phân loại như sau:
- Dây thần kinh cảm giác: nhận tín hiệu về cảm giác như nhiệt độ (nóng, lạnh), đau, sự rung hay sờ chạm ngoài da
- Dây thần kinh vận động: chi phối và điều khiển hoạt động của các cơ
- Dây thần kinh tự chủ (hệ thần kinh thực vật): điều hòa chức năng như huyết áp, nhịp tim, tiêu hóa hay tiểu tiện
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm:
- Cảm giác tê, như kiến bò hoặc ngứa khởi phát từ từ ở bàn chân và bàn tay và có thể lan lên phía trên cánh tay hoặc chân.
- Cảm giác đau nhói, đau như lửa đốt
- Nhạy cảm quá mức khi đụng vào
- Dễ té ngã
- Yếu hay liệt cơ nếu dây thần kinh vận động bị ảnh hưởng
Nếu hệ thần kinh tự chủ bị ảnh hưởng, các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Đổ mồ hôi bất thường
- Thay đổi thói quen đi tiêu, đi tiểu hay có bất thường ở đường tiêu hóa.
- Rối loạn huyết áp, gây choáng, chóng mặt.
Bệnh thần kinh ngoại biên có thể ảnh hưởng 1, 2 hoặc nhiều hơn các dây thần kinh ở nhiều vị trí khác nhau. Hội chứng ống cổ tay là một ví dụ cho rối loạn 1 dây thần kinh ngoại biên. Hầu hết bệnh nhân có bệnh lý thần kinh ngoại biên bị ảnh hưởng trên nhiều dây thần kinh.
Hãy tìm đến các trung tâm y tế ngay khi bạn để ý các giác ngứa, yếu hoặc đau bất thường ở bàn tay hay bàn chân. Việc chẩn đoán và điều trị sớm thường mang lại hiệu quả trị các triệu chứng tốt nhất và ngăn chặn nguy cơ phá hủy các dây thần kinh.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh ngoại biên
Bệnh lí thần kinh ngoại biên là sự phá hủy các dây thần kinh gây ra bởi nhiều bệnh khác nhau. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Nghiện rượu: việc lựa chọn chế độ ăn uống kém trên người nghiện rượu có thể dẫn đến suy giảm các chất dinh dưỡng như vitamin.
- Các bệnh tự miễn: bao gồm hội chứng Sjogren, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp , hội chứng Guillain-Barre, bệnh đa dây thần kinh mất myelin viêm mạn tính và viêm mạch hoại tử.
- Đái tháo đường: hơn một nửa số người bị đái tháo đường sẽ dễ mắc các bệnh lí thần kinh.
- Tiếp xúc với chất độc hại
- Thuốc: một số loại thuốc, đặc biệt là các thuốc dùng trong điều trị ung thư (hóa trị) có thể gây bệnh lí thần kinh ngoại biên.
- Nhiễm trùng: bao gồm cả nhiễm vi khuẩn hay siêu vi. Ví dụ như bệnh Lyme, Zona thần kinh, Epstein-Barr vi-rút, viêm gan C , bệnh phong, bạch hầu và HIV.
- Bệnh di truyền: như bệnh Charcot-Marie-Tooth
- Chấn thương hoặc chèn ép thần kinh: chấn thương từ tai nạn giao thông, té ngã hoặc do chấn thương thể thao đều có thể phá hủy các dây thần kinh ngoại biên. Chèn ép thần kinh có thể là hậu quả của việc dùng nạng hoặc một hành động lặp đi lặp lại nhiều lần gây đè ép dây thần kinh.
- Khối u: khối u ác tính hay lành tính đều có thể gây chèn ép dây thần kinh. Ngoài ra, bệnh đa dây thần kinh còn có thể do một vài loại ung thư có liên quan đến hệ thống đáp ứng miễn dịch cơ thể. Đây cũng là một dạng của hội chứng cận ung thư.
- Thiếu vitamin: vitamin B như vitamin B1, B6 và B12, vitamin E và niacin là những chất cần thiết cho hệ thần kinh.
- Bệnh lí về tủy xương: bao gồm sự hiện diện của những protein bất thường trong máu (bệnh lí gamma đơn dòng), khối u trong xương, ung thư xương, lympho và amyloidosis.
- Các bệnh khác: như bệnh thận, gan, bệnh về mô liên kết và suy giảm chức năng tuyến giáp (suy giáp).
Một số trường hợp không rõ nguyên nhân còn gọi là vô căn nguyên phát.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên
- Đái tháo đường, đặc biệt khi mức đường trong máu cao và không kiểm soát tốt.
- Nghiện rượu
- Thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin B
- Nhiễm trùng như bệnh Lyme, zona, Epstein-Barr virus, viêm gan C và HIV
- Bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ, loại bệnh này gây ra sự tấn công vào các mô cơ thể do có sự rối loạn hệ miễn dịch.
- Bệnh thận, gan hay tuyến giáp
- Tiếp xúc với chất độc hại
- Các hoạt động lặp đi lặp lại, ví dụ như công việc hằng ngày gây chèn ép các dây thần kinh ngoại biên
- Tiền sử gia đình có bệnh lí thần kinh
4. Tác hại và biến chứng của bệnh thần kinh ngoại biên
Bệnh thần kinh ngoại biên nếu không được chữa trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:
- Phỏng hay dễ tổn thương da: vì người bệnh sẽ không cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ hoặc cảm giác đau ở những chỗ bị tê liệt cảm giác.
- Nhiễm trùng: bàn chân và những vùng thiếu cảm giác có thể bị tổn thương mà bạn không biết. Nên kiểm tra thường xuyên những vị trí này và điều trị những chấn thương nhỏ trước khi nó có thể gây nhiễm trùng, đặc biệt với những trường hợp có bệnh đái tháo đường đi kèm.
- Dễ té ngã: yếu cơ và mất cảm giác có thể gây mất thăng bằng và té ngã.
5. Các phương pháp điều trị bệnh thần kinh ngoại biên
Bệnh thần kinh ngoại biên do nhiều nguyên nhân gây ra vì vậy bác sĩ chẩn đoán thường chú trọng vào:
- Hỏi bệnh sử kĩ: bác sĩ cần xem xét kĩ bệnh sử và tiền sử của bệnh nhân, bao gồm các triệu chứng, lối sống, đã từng tiếp xúc với các chất độc hại, thói quen uống bia rượu và cả tiền sử bệnh lí thần kinh của gia đình.
- Thăm khám hệ thần kinh: bác sĩ có thể thực hiện các phản xạ gân cơ, đánh giá sức cơ, khả năng cảm nhận cảm giác của bệnh nhân và quan sát dáng đi của bệnh nhân.
Cùng với các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra mức độ thiếu hụt vitamin, đường trong máu, các bất thường chức năng hệ miễn dịch và các bệnh lí khác có thể gây bệnh thần kinh ngoại biên.
- Hình ảnh học: CT hoặc MRI có thể tìm những chỗ thoát vị đĩa đệm, khối u hoặc các bất thường khác.
- Test đánh giá chức năng thần kinh: điện cơ đồ nhằm ghi lại hoạt động dẫn truyền tín hiệu trong thần kinh – cơ. 1 đoạn dò sẽ gửi tín hiệu đến dây thần kinh, sau đó đặt 1 đầu điện cực chạy dọc theo dây thần kinh để ghi lại đáp ứng của dây thần kinh đó với tín hiệu.
- Các test đánh giá chức năng thần kinh khác: bao gồm một màn hình phản xạ ghi lại hoạt động của các dây thần kinh tự chủ, test mồ hôi hay test cảm giác ghi lại cảm giác sờ chạm, rung hay về nhiệt (nóng và lạnh).
- Sinh thiết sợi thần kinh: lấy ra một mẫu nhỏ của sợi thần kinh, thường là sợi thần kinh cảm giác để tìm xem có sự bất thường hay không.
- Sinh thiết da: lấy một mẫu nhỏ ở da để tìm xem có bất thường ở tận cùng sợi thần kinh.
Điều trị
Mục tiêu điều trị là điều trị các nguyên nhân nền gây ra bệnh thần kinh ngoại biên và làm giảm các triệu chứng. Nếu các test và xét nghiệm cho thấy không có nguyên nhân rõ ràng, bác sĩ cần quan sát kĩ xem các triệu chứng của thần kinh ngoại biên có diễn tiến nặng lên hay không.
Điều trị bằng thuốc:
Ngoài các thuốc dùng để điều trị bệnh hay nguyên nhân nền, cần dùng thêm các thuốc nhằm làm giảm triệu chứng hiện có trên bệnh nhân bao gồm:
- Giảm đau: Các loại thuốc giảm đau kháng viêm có thể làm giảm các triệu chứng của các cơn đau. Tuy nhiên người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh lạm dụng thuốc, dẫn đến nhờn thuốc.
- Thuốc chống co giật: có thể làm giảm cơn đau do thần kinh. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như ngủ gà hay choáng.
- Miếng dán giảm đau vào da có thể làm giảm đau nhưng có các tác dụng phụ như ngủ gà, choáng hoặc tê liệt ở chỗ dán.
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc có tác dụng giảm đau ở người bị bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Thuốc có thể có một số tác dụng phụ như gây khô miệng, buồn nôn, ngủ gà, choáng, ăn không ngon miệng và táo bón.
Phẫu thuật: Phẫu thuật sẽ được áp dụng với các trường hợp bệnh thần kinh ngoại biên gây ra bởi sự chèn ép lên dây thần kinh ví dụ như bị chèn ép bởi khối u, có thể bạn sẽ cần phẫu thuật để làm giảm sức ép lên dây thần kinh.
- Chăm sóc bàn chân đặc biệt với các trường hợp có bệnh đái tháo đường đi kèm. Kiểm tra thường xuyên mỗi ngày xem ở các chi có mụn nước, vết thương cắt trúng hay không. Mang vớ mềm, vải cotton.
- Tập thể dục thường xuyên, ví dụ đi bộ 3 lần mỗi tuần giúp làm giảm cơn đau do thần kinh, cải thiện sức cơ và giúp điều hòa mức đường trong máu. Những môn thể thao nhẹ khác như yoga cũng có thể giúp ích cho sức khỏe.
- Ngừng hút thuốc lá: vì hút thuốc lá làm ảnh hưởng hệ tuần hoàn máu, làm tăng nguy cơ bệnh thần kinh và các biến chứng ở bàn chân khác.
- Ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng: điều này rất quan trọng, cần đảm bảo rằng cơ thể bạn nhận đủ lượng vitamin và khoáng chất mỗi ngày. Những chất này thường có trong rau củ, trái cây, thịt cá.
- Tránh uống rượu bia nhiều: chất có cồn có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
- Kiểm soát tốt mức đường huyết: nếu bạn có bệnh đái tháo đường, cần giữ mức đường huyết ở dưới ngưỡng cho phép vì điều này giúp làm cải thiện bệnh thần kinh ngoại biên.
6. Phòng chống bệnh thần kinh ngoại biên
Điều trị tốt các bệnh nền
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh thần kinh ngoại biên là điều trị tốt các bệnh nền có thể làm tăng nguy cơ bệnh thần kinh như đái tháo đường, nghiện rượu hay viêm khớp dạng thấp.
Có lối sống phù hợp
Để phòng chống bệnh thần kinh ngoại biên, bạn nên tham khảo những điều sau:
- Ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng: giảm thiếu hụt vitamin B12 bằng cách ăn thịt, cá trứng và các thực phẩm làm từ sữa ít béo cũng như ngũ cốc dinh dưỡng. Nếu bạn ăn chay thì các loại ngũ cốc dinh dưỡng là 1 nguồn dồi dào vitamin B12 mà ta cần bổ sung, tuy nhiên bạn cần trao đổi thêm với bác sĩ nếu cần bổ sung dưới dạng thuốc uống.
- Tập thể dục thường xuyên: nếu bác sĩ cho phép bạn nên tập ít nhất 30 phút đến 1 tiếng tối thiểu 3 lần mỗi tuần.
- Tránh các yếu tố gây phá hủy sợi thần kinh, bao gồm các hoạt động lặp đi lặp lại hay thường xuyên phải ở tư thế hẹp gò bó có thể gây chèn ép các sợi thần kinh, tiếp xúc với các chất độc hại, hút thuốc lá hay nghiện rượu.
- Video mô tả thủ thuật PLDD (06.10.2018)
- Điều trị Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (22.02.2018)
- Nguyên nhân, triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (22.02.2018)
- Cấu trúc cột sống (22.02.2018)
- Hội chứng thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (23.07.2018)
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (01.08.2018)
- Thoái hóa khớp (12.10.2018)
- Nguyên nhân, hệ lụy của thoát vị đĩa đệm (13.10.2018)
- Thoái hóa cột sống thắt lưng (13.11.2018)
- Hội chứng đau vai gáy (03.12.2018)